(*)Tác dụng có thể khác nhau tùy theo cơ địa mỗi người

Tuyệt đại đa số nhân loại đều dị tính ái, chỉ có thể quan hệ với người khác giới. Khoảng 1-2% là đồng tính ái, chỉ quan hệ với người đồng giới. Đối với y học, trước đây thực trạng này vẫn được coi như một dạng tâm thần do bẩm sinh, mà thái độ xử trí rất ba phải:

- Nếu là đồng tính ái thật sự (rất hiếm) thì không chữa trị được, và không cần chữa trị gì cả.
- Còn nếu là đồng tính ái “dởm” (đại đa số những trường hợp hiện nay) do a dua, bon chen, tưởng tượng… hoặc vì lý do kinh tế (mại dâm nam) thì khỏi cần chữa trị, vì nó sẽ tự động hết, “oải quá” rồi thì cũng phải hết.
Từ tháng 1/1993, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại đồng tính ái ra khỏi danh mục quốc tế về bệnh tật ở loài người.
Nhớ lại, vào năm 1981, những trường hợp AIDS đầu tiên đã được phát hiện trong giới đồng tính ái Mỹ, và cho đến năm 1985, bệnh hoành hành chủ yếu tại những nhóm có nguy cơ cao gồm đồng tính ái, tiêm chích xì ke, mại dâm… Ở thời điểm này, một số người chết oan vì cứ tưởng chỉ đồng tính ái mới bị AIDS, nên đã quan hệ nam nữ quá thoải mái.
Hiện nay, chẳng còn nhóm nào là nguy cơ cao nữa. Mọi người đều “bình đẳng” trước cơn đại họa, nam phụ lão ấu, đồng tính ái hay dị tính ái đều như nhau, và chỉ có Hành vi nguy cơ mà thôi.
Chương trình toàn cầu về AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO/GPA) đã cho rằng những người đồng tính ái phải có đầy đủ quyền được tôn trọng cuộc sống riêng tư, được thông tin và chăm sóc về sức khỏe như mọi người. Đây là một phần việc để cuộc chiến đấu chống lại AIDS trở nên hữu hiệu. Ngoài ra, vị trí đáng kể của người đồng tính ái trong công tác phòng chống AIDS cũng chính thức được xác nhận.
Do “đi tiên phong” nên HIV/AIDS đối với họ luôn luôn là mối đe dọa thường xuyên, một bóng ma ám ảnh mà bất cứ người nào cũng có ý thức và cùng chia sẻ. Điều này khiến cho họ thương yêu nhau hơn (vì cùng chung cảnh ngộ) và biết tự bảo vệ cho nhau bằng “bao cao su”. Hầu như ai cũng từng có “bạn bè” hoặc quen biết một người nào đó bị AIDS. Và thế là giới đồng tính ái đã trở thành nhóm nguy cơ thấp nhờ hiểu rõ vấn đề, biết thông tin và giáo dục, chỉ bảo cho nhau cách phòng ngừa, hạn chế được sự “lây lan nội bộ”.
Ngược lại, với người dị tính ái, biết mình đang bị nhiễm HIV là tình trạng “không thể nào mô tả nổi”. Việc đầu tiên, họ cố tìm hiểu tại sao, ở đâu, do ai, hồi nào? Một cô bạn cũ lâu ngày gặp lại? Một phụ nữ mới quen “dễ tính”? Hay một buổi nhậu nhẹt “mát mẻ” nào đó? Ở những người này, hầu như không bao giờ có chuyện “chia sẻ” như giới đồng tính ái. Vì khác với người đồng tính ái thường xuyên thay đổi đối tượng, cặp vợ chồng dị tính ái về bản chất là muốn “ăn đời ở kiếp với nhau”. Vậy nên làm sao dám thú nhận với bà xã, hoặc thảm khốc hơn, ông xã. Làm sao giải thích “cho xuôi tai” việc tự nhiên đòi mang bao cao su? Bằng cách nào có thể đưa vợ (hay chồng) đi xét nghiệm? Và có tiếp tục quan hệ vợ chồng nữa hay không?... Những câu hỏi này gây đau đầu cho những người HIV dương tính. Đó là chưa kể chấn động tâm lý của bản án tử hình đã tuyên.
Tại nhiều nước, một số phụ nữ cảm thấy cái chết trước mắt đã đột nhiên muốn tạo nên hoặc để lại sự sống, tức là mang thai. Họ thường nhanh chóng có bầu, tuy đã được giải thích đầy đủ về nguy cơ nhiễm bệnh cho thai nhi. Điều này tất nhiên là khó thể xảy ra với người đồng tính ái, ngay cả ở đồng tính ái nữ.
Như vậy, tuy hiện nay bất cứ ai, ở bất cứ giới nào cũng có thể nhiễm HIV từ các hành vi nguy cơ, nhưng vẫn có những khác biệt rất lớn giữa hai “thành phần cơ bản của nhân loại”. Tất nhiên là thành phần nào đông hơn thì cũng phức tạp hơn, và con người phải chuẩn bị để sống lâu dài với đại họa đa dạng và vô cùng khó hiểu này.
Hiện tại, vẫn chỉ có cách phòng ngừa mà thôi.